Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành

Trước thế kỷ 18, người Việt đã biết nghề thêu và làm lọng từ lâu. Sử cũ từng ghi vào thời Trần, vua quan quen dùng đồ thêu và lọng. Năm 1289, vua Trần đã gửi tặng vua Nguyên một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu[8]. Tháng Giêng năm Quý Tỵ (1293), Trần Phu trong đoàn sứ nhà Nguyên sang Đại Việt có nhận xét: "Về phẩm hàm của các quan Đại Việt, ai cao ai thấp cứ nhìn vào lọng mà phân biệt. Hễ là khanh tướng thì đi ba cây lọng xanh, bậc thấp hơn thì đi hai lọng, rồi một lọng. Còn như lọng tía thì chỉ có những người trong hoàng tộc mới được dùng".[9]

Tuy vậy, nghề thêu ở Đại Việt trước thế kỷ XVIII còn đơn sơ, quanh quẩn với những màu chỉ ngũ sắc và chỉ kim tuyến, làm những mặt hàng phục vụ cho vua, quan, cho nhà chùa (thêu mũ, mãng, triều phục, nghi môn, cờ phướn…). Trong ngôi mộ cổ đào được ở Vân Cát, Nam Hà, có niên đại khoảng thế kỷ 18, người ta thấy: bên cạnh cái quạt, có một túi trầu bằng gấm thêu kim tuyến, một túi đựng thuốc lào cũng bằng gấm thêu kim tuyến. Đến thời Bùi Công Hành, ông được cho là đã dạy cho người làng Quất Động những kỹ thuật thêu và làm lọng tân tiến hơn mà ông đã tiếp thu được trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Từ đó, nghề thêu và làm lọng trở nên phát triển hơn, lan dần ra nhiều làng nghề trên khắp cả nước. Để ghi nhớ công đức của ông, người dân làng nghề tại Thường Tín lập nên Đền Ngũ Xã (do dân 5 xã lập). Trong đền có tấm bia Vũ Du Tiên sư bi ký ghi lại sự tích của tổ nghề thêu. Ngoài ra còn còn có một số đền thờ khác như như đình Tú Thị ở số 4 phố Yên Thái, quận Hoàn Kiếm,[7] hoặc đền thờ ở phố Hàng Lọng (nay thuộc khu vực đường Nam Bộ) nay không còn, [10], đình làng Nhị Khê thờ Tổ nghề tiện Lê Công Hành...[11]

Lễ giỗ tổ nghề của những làng sinh sống bằng nghề thêu tại Việt Nam thường được tổ chức vào ngày giỗ hàng năm của ông. Chỉ riêng tại Huế, lễ tế Tổ sư nghề thêu Lê Công Hành tại phổ Cẩm Tú - Huế lại được tổ chức vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hằng năm và ngày mồng 4 tháng Sáu âm lịch là ngày kỷ tổ.[12]